Diện mạo thị trường bất động sản 2020 dưới góc nhìn chuyên gia

Thị trường bất động sản 2020 không có nhiều biến động

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) dự báo thị trường bất động sản năm 2020 sẽ không có nhiều biến động. Nhu cầu về nhà ở tiếp tục gia tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. 

Đối với thị trường bất động sản Hà Nội, nguồn cung nhà ở duy trì ổn định, nguồn cung mới vẫn chủ yếu ở phân khúc trung cấp, giá bất động sản tăng 1-2%. Tại TP.HCM, nguồn cung bất động sản nhà ở giảm do không có nhiều dự án mới được phê duyệt triển khai, đặc biệt là đối với phân khúc nhà ở giá thấp, giá bất động sản tăng 4-5%. 

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng)

 

Đối với thị trường bất động sản đất nền khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ, sau diễn biến vụ việc Công ty Alibaba, công tác quản lý của chính quyền chặt chẽ hơn, khó có dự án mới ra hàng. Nhà đầu tư và người tiêu dùng đều e ngại việc mua – bán bất động sản đất nền. Do đó, dự báo nguồn cung và lượng giao dịch đất nền có thể sụt giảm mạnh. 

Với bất động sản du lịch tại một số địa phương như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam, Kiên Giang, ... dự báo thị trường sẽ tiếp tục chững lại, trầm lắng hơn so với giai đoạn 2017-2018.

Bất động sản du lịch sẽ là điểm nhấn

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO Group cho rằng với quy mô dân số 100 triệu, cơ cấu dân số có khoảng 55 triệu người độ tuổi từ 15 trở lên, tầng lớp trung lưu chiếm khoảng 30 triệu dân, dự kiến tăng lên 40 triệu vào năm 2025. Đây được coi là nguồn cầu lớn của thị trường nhà ở. Các phân khúc đều có cơ hội trước nguồn cầu này.  

Bất động sản du lịch có thể coi là một trong những điểm nhấn của năm 2020 bởi du lịch được Chính phủ xác định là ngành mũi nhọn. Phát triển du lịch là lĩnh vực vừa sức với người dân và doanh nghiệp, là công cụ quan trong để điều chuyển dòng tiền từ nơi giàu sang nơi nghèo, phát triển hạ tầng, cảnh quan khu vực. 

 Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO Group

 

Theo ông Bình, những năm qua bất động sản du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhưng nếu nhìn vào top 4 khối ASEAN, Việt Nam vẫn còn bé nhỏ. Chi tiêu bình quân cho du lịch ở các nước này lên tới trên 1.000 USD nhưng nước ta mới chỉ dừng lại ở mức 800-900 USD.

Ông Bình khẳng định du lịch và bất động sản du lịch vẫn còn dư địa rất lớn để phát triển. Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO Group mong muốn chính phủ và các bộ ngành tiếp tục tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn về pháp lý, chính sách nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Trong tương lai, Việt Nam cần đa dạng hóa cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, cần hướng đến nhóm khách Âu, Úc… - vốn là nhóm khách chi tiêu nhiều và có khoảng thời gian lưu trú dài hơn. 

 

Bất động sản công nghiệp sẽ cất cánh

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng bên cạnh bất động sản du lịch nghỉ dưỡng thì bất động sản công nghiệp sẽ là điểm sáng thị trường trong trung và dài hạn. Hiện Việt Nam đang được biết đến như một trung tâm công nghiệp mới nổi đầy hấp dẫn ở Đông Nam Á. Sức hút của bất động sản công nghiệp Việt Nam đến từ nhiều yếu tố. 

Thứ nhất, với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam là điểm trung chuyển hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Á qua cảng Cát Lái và hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU qua khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải. Do đó, Việt Nam có tiềm năng to lớn phát triển các cảng biển sâu trên cả nước, là cơ sở cho xuất nhập khẩu hàng hóa các ngành công nghiệp, logistics phát triển. 

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Thứ hai, quá trình tham gia vào các hiệp định thương mại tự do buộc Việt Nam liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thực tế này đã thu hút ngày càng nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào, tạo động lực cho phân khúc bất động sản công nghiệp và logistics phát triển. Hiện môi trường đầu tư, những thay đổi về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa ngày càng cải thiện. Đây là cơ sở thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI thời gian qua. 

Thứ ba, kết quả nhiều cuộc khảo sát cho thấy Việt Nam đang có chi phí sản xuất dưới 1 USD/giờ, thấp nhất trong ASEAN và thấp hơn Trung Quốc. Chi phí lao động trung bình ước tính thấp hơn 43% so với Thái Lan và thấp hơn 10% so với Indonesia. Đây là một trong những nguyên nhân thu hút dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam thời gian gần đây.

Trong khi đó, lợi nhuận thu được từ việc phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam có thể đạt 11-12%, là mức lợi nhuận cao nhất trong khu vực.

Thứ tư, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc và cả doanh nghiệp Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam diễn ra mạnh mẽ. Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang được hưởng lợi từ cuộc chiến này.